New Nghien Cuu
 Search

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế một năm nhìn lại: Tỏa sáng cùng chuỗi tọa đàm và hội thảo mang tính quốc tế sâu sắc

Năm 2021, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã gặt hái được nhiều thành công trong mảng nghiên cứu khoa học, nổi bật nhất là chuỗi hội thảo và tọa đàm khoa học diễn ra xuyên suốt trong năm. Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 1 năm vừa qua trong hoạt động nghiên cứu này của Khoa nhé:


Chuỗi toạ đàm và hội thảo khoa học mang tính quốc tế

Năm 2021, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã gặt hái được nhiều thành công trong mảng nghiên cứu khoa học, nổi bật nhất là chuỗi hội thảo và tọa đàm khoa học diễn ra xuyên suốt trong năm bao gồm 2 hội thảo quốc tế và 6 tọa đàm khoa học trong nước, quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế.

Hòa cùng với dòng chảy của kinh tế trong nước và thế giới, các hội thảo, tọa đàm đã đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế quốc tế thời sự như: Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Các biến động của kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, Bối cảnh COVID-19 và nền kinh tế số; Thương mại điện tử của ASEAN trong đại dịch COVID-19 và tương lai; Tạo thuận lợi thương mại số… Đây là các chủ đề thuộc thế mạnh nghiên cứu của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, các chủ trì và diễn giả là những thành viên nghiên cứu chủ chốt của Khoa, thuộc nhóm nghiên cứu mạnh về Hội nhập kinh tế quốc tế được công nhận bởi ĐHQGHN. Không những thế, các diễn giả và nhà tư vấn chuyên môn cho hội thảo, tọa đàm đều là các giáo sư đầu ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Chính vì thế, những hàm ý và tư vấn chính sách được rút ra từ các hội thảo, tọa đàm có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết được các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội đất nước. Các hội thảo, tọa đàm đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao, có tính lan tỏa rộng, thu hút được sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách và cả các cơ quan doanh nghiệp. 

Bên cạnh chuỗi hội thảo, tọa đàm có tính quốc tế, với mục tiêu bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ giảng viên, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã tổ chức hai buổi đào tạo nội bộ về “Các phương pháp đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại Tự do” và “Tìm kiếm và khai thác các cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu kinh tế quốc tế”.

Nhiều hội thảo do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã được tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến

Các chủ đề hội thảo, tọa đàm nổi bật

Hội thảo quốc tế “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới” với hơn 350 khách mời tham dự ở cả hai hình thức online và offline. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp FDI đã cùng nhau phân tích, đánh giá sâu rộng về những tác động của bối cảnh mới đối với FDI toàn cầu, cũng như những ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Những dự báo về triển vọng và hàm ý chính sách được rút ra từ hội thảo góp phần thúc đẩy việc thu hút FDI vào Việt Nam và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Ngoài ra, hội thảo khoa học quốc tế “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” thảo luận về các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng số hóa và xanh hóa.

Các webinar quốc tế đã đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Webinar quốc tế “Các biến động của kinh tế quốc trong bối cảnh mới” trao đổi về những cục diện kinh tế thế giới đang làm thay đổi nền tảng của kinh tế quốc tế. Webinar quốc tế “Thương mại điện tử của ASEAN trong đại dịch COVID-19 và tương lai: Góc nhìn và bài học từ các doanh nghiệp” phân tích những khó khăn đối với hoạt động thương mại quốc tế trong đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp ASEAN. Webinar quốc tế “Bối cảnh COVID-19 và nền kinh tế số: Góc nhìn tập trung về thương mại điện tử” phân tích ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với thương mại điện tử ở các nước Đông Nam Á nói chung, Việt Nam và Thái Lan nói riêng.

Hội thảo khoa học quốc gia “Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn” thảo luận chi tiết dưới nhiều góc độ từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cho đến góc nhìn chuyên gia, xoay quanh sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi tạo thuận lợi số trong thương mại. Bên cạnh đó, Khoa cũng đã thực hiện hai tọa đàm nội bộ gồm tọa đàm “Các phương pháp đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do” và tọa đàm “Tìm kiếm và khai thác các cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu kinh tế quốc tế” để hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên trong Khoa. 

Chuỗi hội thảo, tọa đàm của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã gặt hái được những thành công và gây tiếng vang lớn như vậy là nhờ năng lực và sức hút của các diễn giả. Họ đều là những giáo sư đầu ngành, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong nước và quốc tếcó kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực.

Nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế đã tham gia chuỗi tọa đàm, hội thảo do Khoa KT&KDQT chủ trì

Các diễn giả uy tín quốc tế và trong nước đã tham gia chuỗi hội thảo, tọa đàm của Khoa KT&KDQT:

  • GS. Craig Parsons, Đại học Quốc gia Yokohama
  • Ông Daniel Dobrev, Phòng Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Cộng hòa Bungari tại Việt Nam
  • PGS.TS. Sitanon Jesdapipat - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Đổi mới Kinh tế, Khoa Kinh tế - Đại học Rangsit
  • TS. Atty. Rami Amer G.Hourani - Chủ tịch Liên hiệp PhilExport-Cebu, giảng viên Đại học Cebu, Philippines
  • Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại thương, Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Việt Nam
  • GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation For Freedom (FNF) tại Việt Nam
  • GS. Peter Draper, Trưởng Khoa Kinh tế và Chính sách công, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Đại học Adelaide, Australia 
  • GS. Robin K. Chou, Giáo sư danh dự về Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Châu Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Thương mại, Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan 
  • GS. Hồ Tú BảoGiám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Giám đốc khoa học thuộc Viện John von Neumann - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
  • Ông Hoàng Huy Hoàng, Trưởng phòng Quản lý vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan
  • ThS. Nguyễn Hải Triều - CEO kiêm đồng sáng lập tại PrimeData
  • PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • PGS.TS. Hà Văn Hội - Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • TS. Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • TS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Phó Trưởng Bộ môn Tài chính quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
TS. Atty. Rami Amer G.Hourani - Chủ tịch Liên hiệp PhilExport-Cebu, giảng viên Đại học Cebu, Philippines
 

Các tư vấn chính sách rút ra từ chuỗi hội thảo, tọa đàm:

Với tính quốc tế sâu sắc và hướng vào giải quyết các vấn đề của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn COVID-19, chuỗi hội thảo, tọa đàm của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã đưa ra nhiều tư vấn chính sách quan trọng. Các tư vấn có tính lan tỏa này góp phần giúp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và nhanh chóng phục hồi trong trạng thái bình thường mới. 

Thứ nhất, để thu hút FDI và hỗ trợ Việt Nam khôi phục trong trạng thái bình thường mới, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể. Đối với Chính phủ, cần đổi mới khung chính sách về ưu đãi đầu tư với các chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để có thể lựa chọn và thu hút được những dự án đầu tư phù hợp cũng là điểm cần chú ý trong thời gian tới. Đối với doanh nghiệp, cần có giải pháp để doanh nghiệp FDI thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động khi tham gia các FTA thế hệ mới ở Việt Nam thông qua nâng cao năng lực người sử dụng lao động, người lao động và tăng cường kỹ năng thực hành trách nhiệm xã hội đối với người lao động…

Thứ hai, Việt Nam cần thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế. Để xanh hóa nền kinh tế, cần nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cần nhận thức rõ, tiếp cận với tăng trưởng xanh không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng… Đặc biệt, cần coi trọng nguồn lực tài chính làm đòn bẩy. Đối với doanh nghiệp, để hướng tới xanh hóa, các doanh nghiệp cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.

Thứ ba, Việt Nam cần hướng tới số hóa nền kinh tế. Để hướng tới số hóa, Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và thương mại điện tử. Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; tận dụng số hóa để thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ tư, để Việt Nam và các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 và tận dụng các cơ hội phát triển, việc phát triển thương mại điện tử là điều cần thiết. 

Đối với Chính phủ, Chính phủ cần nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý và thực thi hiệu quả các chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cần tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để hiện đại hóa và đồng bộ hóa công nghệ kỹ thuật số. Nguồn nhân lực để phục vụ trong lĩnh vực này cần được đầu tư và đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, đồng thời có thể ứng biến với mọi tình huống xảy ra trong không gian mạng. Đi đôi với việc mở rộng và ứng dụng công nghệ, Chính phủ cần có các biện pháp tạo ra các phần mềm để bảo vệ quyền riêng tư, thông tin của người dùng, cũng như những chính sách xử lý khi có bất kỳ thành phần xâm phạm và lợi dụng công nghệ để thu lợi và gây nguy hại đến sự phát triển của các hoạt động thương mại, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. 

Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần hành động nhanh trong việc ứng dụng công nghệ số và luôn có phương án dự phòng trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng để chủ động trong mọi tình huống. Cần nghiên cứu ứng dụng các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh liên kết… cùng sự trợ giúp của công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp tinh chỉnh kế hoạch kinh doanh và nắm bắt được nhu cầu thị trường.

Thứ năm, cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động thương mại và đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại số. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng khung các biện pháp tạo thuận lợi số trong thương mại một cách rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong quá trình áp dụng đưa vào thực hiện. Các biện pháp này cần có sự phối hợp tham gia của tất cả các bên liên quan trong hoạt động thương mại quốc tế, từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, sự liên kết giữa chính phủ các nước cũng rất cần thiết. Vấn đề về an ninh số cũng cần được xem xét kỹ lưỡng và cần coi đây là vấn đề quan trọng khi áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi số cho thương mại. Cần có các kế hoạch, lộ trình trong quá trình áp dụng công nghệ số và có hoạt động giáo dục để nâng cao kiến thức và ý thức về an toàn an ninh bảo mật. 

Tại hội thảo quốc tế “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Định hướng cho năm 2022

Nối tiếp những thành công năm 2021, trong năm 2022, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐHKT sẽ tiếp tục thúc đẩy các hội thảo và tọa đàm quốc tế có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nội dung của các hội thảo, tọa đàm dự kiến hướng tới các chủ đề kinh tế đang được quan tâm như tình hình kinh tế thế giới trong trạng thái bình thường mới, sự thích nghi của thế giới trong trạng thái bình thường mới, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... 

Hãy cùng đón chờ những hội thảo, tọa đàm đầy giá trị và bổ ích của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế trong năm 2022!

=============

THÔNG TIN LIÊN QUAN:


Đàm Thị Phương Thảo

FullName Email
Address Security code EUWJEJ
Content

Other News
<12>